Cách phân biệt cá dĩa trống mái
Phân biệt cá dĩa đực và cái
Cá dĩa là loài lưỡng hình giới tính không rõ rệt nên hầu như không thể
phân biệt được cá đực với cá cái khi còn non. Mọi tài liệu đều nhấn mạnh
rằng việc phân biệt giới tính cá dĩa chỉ có thể thực hiện đối với cá
trưởng thành trên 5 tháng tuổi và đạt kích thước trên 10 cm. Thông
thường, nhà lai tạo phải nuôi một bầy 5-6 con và đợi đến khi chúng tự
bắt cặp mới biết được cá trống mái. Hy vọng rằng các bạn có thể áp dụng
bài viết này vào việc phân biệt giới tính cá dĩa và chủ động ghép cặp
theo ý muốn.
Dưới đây là các đặc điểm thường được áp dụng để phân biệt giới tính cá dĩa. Lưu ý rằng mỗi đặc điểm đều có độ chính xác và yêu cầu riêng. Bạn
càng kết hợp nhiều đặc điểm với nhau thì việc xác định giới tính cá dĩa
càng chính xác.
1. Miệng: cá dĩa đực có môi to và dày hơn cá dĩa cái. Đặc điểm này có
thể áp dụng cho tất cả các dòng cá dĩa với kích thước và độ tuổi tương
đương. Thoạt nghe có vẻ đáng tin cậy nhưng mắt người khó nhận biết được
sự khác biệt cực nhỏ này.
2. Chóp vây lưng và vây hậu môn (streamer): cá đực có chóp vây dài hơn so với cá cái.

Đặc điểm này đúng với cá dĩa lam hoang dã (haraldi discus) và những dòng
có nguồn gốc từ đó như lam (cobalt) hay bông xanh (turquoise) nếu được
nuôi bằng thức ăn bình thường. Những dòng khác như dĩa nâu, dĩa lục và
dĩa heckel không có chóp vây. Tuy nhiên cá trôi nổi ngoài thị trường
thường bị ngâm hormon để kích màu xanh khiến cá cái cũng có chóp vây kéo
dài (kể cả những dòng vốn không có chóp vây).
3. Kích thước vây: cá đực có vây lưng và vây hậu môn cao hơn so với cá
cái. Đặc điểm này chỉ đúng với bầy mà cá cha có vây rất cao còn cá mẹ
vây bình thường. Ngoài ra, nhiều dòng cá dĩa có vây cao bất kể giới tính
là gì. Tóm lại, độ chính xác dưới 30% nếu cùng bầy và dưới 10% nếu khác
bầy.
4. Kích thước: cá dĩa đực thường to hơn so với cá dĩa cái. Nhìn chung
tốc độ tăng trưởng của cá dĩa cái chậm lại khi trưởng thành hoặc phát
dục. Lưu ý: cá ngoài tiệm có thể bị pha trộn từ nhiều nguồn khác nhau.
Vả lại một số cá cái vẫn có thể đạt đến kích thước tương đương với cá
đực. Tóm lại, độ chính xác là 40% nếu cùng bầy và dưới 10% nếu khác bầy.
5. Đầu: cá dĩa đực thường có đầu to hơn cá dĩa cái. Mặc dù dạng đầu gù
có tồn tại ở cá dĩa đực những rất hiếm (cá dĩa không phải là La Hán!).
Đừng nhầm lẫn với dạng đầu cực cong mà cá thể đực hay cái đều như nhau.
Cá đực có đầu thẳng hơn so với cá cái. Đặc điểm này chỉ có thể áp dụng
với các cá thể cùng bầy và đặc biệt đúng với bầy có cá cha đầu thẳng còn
cá mẹ đầu cong. Tuy nhiên, vẫn có những dòng cá dĩa mà dạng đầu cá đực
hay cá cái đều như nhau.
6. Hành vi: hầu hết những con cá dĩa đực đầu đàn thường hung dữ trong
khi cá cái hiền lành hơn. Đặc điểm này có thể áp dụng cho bất kỳ cá thể
nào. Với những con cá dĩa đực nhút nhát trong bầy thì phải đợi lâu hơn,
cho đến khi chúng thực sự sinh sản.
7. Đường tiếp tuyến:
Jeff Richard phát hiện phương pháp này trong một ấn phẩm xuất bản bằng
tiếng Đức, Diskus Brief, và đưa lên mạng. Theo đó, nếu các đường tiếp
tuyến ở vây lưng và vây hậu môn không cắt hoặc vừa chạm đuôi là cá đực,
còn nếu cắt đuôi là cá cái. Jeff quan sát trên 12 cặp thì thấy tất cả
đều đúng. Nói cách khác, vây lưng và đặc biệt là vây hậu môn của cá đực
hơi cao và bè hơn so với cá cái.

Phương pháp này chỉ đúng với cá dĩa hoang và dòng thuần. Những dòng có
vây cực cao và dài, những cá thể bị biến dạng do dinh dưỡng và môi
trường có thể không chính xác. Tóm lại, đây là phương pháp tốt nhưng
không thể áp dụng cho mọi cá dĩa.
8. Vòi sinh dục:
Một khi cá động dục thì vòi trứng hoặc ống dẫn tinh nhú ra. Hãy quan sát
vòi sinh dục để xác định giới tính cá dĩa, cá đực có vòi nhọn trong khi
cá cái vòi rộng và tù. Đặc điểm này chính xác 100% nhưng không may, vòi
sinh dục chỉ lú ra trong và ngay sau khi cá dĩa sinh sản!

9. Trứng và tinh dịch: cá đực tiết tinh dịch còn cá cái đẻ trứng.
Đặc điểm này được áp dụng cho mọi cá dĩa với độ chính xác 100%. Tuy
nhiên, cá dĩa có thể sinh sản vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và
không dễ gì để canh đúng thời điểm mà quan sát!
10. Độ cong vùng sinh dục: cá đực có vùng sinh dục lõm trong khi cá cái
lồi. Mức độ lồi lõm ở cá non không nhiều so với cá trưởng thành.
Đặc điểm này được áp dụng cho mọi cá dĩa với độ chính xác 100% nếu bắt
cá ra khỏi hồ (70% nếu quan sát qua hồ kiếng). Điều kiện: a) cá phải
trưởng thành trên 5 tháng tuổi và đạt kích thước trên 10 cm, b) cá non
được quan sát trước khi ăn, và c) khi quan sát, vây hậu môn phải căng về
phía vây bụng.

Hình ảnh Cận cảnh cá cái đẻ trứng:

Nguồn : Cách phân biệt cá dĩa trống mái ( Thiên đường cá cảnh - Diễn đàn chim cá cảnh Việt nam )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét